NGHỆ THUẬT TRONG GIAO TIẾP VÀ THUYẾT TRÌNH

MUỐN TỰ TIN KHI NÓI CHUYỆN TRƯỚC CÔNG CHÚNG...

EM ĐỪNG GIẬN ANH...

Đừng buồn anh nếu anh có hờ hững, chẳng nhắn tin, chẳng đoái hoài gì em. Anh cũng chẳng like, chẳng share những gì em viết. Nhưng em biết mà, anh vẫn ở bên em.

10 thói quen đáng học tập từ những người thành công

Viết nhật ký, ngồi thiền, đọc sách,... là những thói quen mà người thành công thường duy trì nhằm giúp đầu óc luôn thông thái trước mọi việc làm..

Chinh phục cực Đông vất vả nhưng đáng nhớ

Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi/ Để ta khắc tên mình trên đời/Dù ta biết gian nan đang chờ đón/Và trái tim vẫn âm thầm/Ta bước đi hướng tới muôn vì sao

Hãy yêu quê hương nhiều hơn

Quê hương trong tôi là cả vùng trời cổ tích, là những sáng sớm theo mẹ ra đồng vui sướng khi thấy bình minh trên quê mình thật đẹp. Quê hương...

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

Cách để xây dựng ý tưởng quảng cáo hiệu quả

Thỉnh thoảng lại có người hỏi tôi Sáng tạo là gì? Làm sao để có ý tưởng sáng tạo? 

  • Về định nghĩa, Sáng tạo (Creativity) là hoạt động tạo ra bất kỳ cái gì có đồng thời tính mới và tính ích lợi. Trong định nghĩa khái niệm này, từ “hoạt động” được dùng với nghĩa rất rộng, chứ không phải theo nghĩa hẹp – “hoạt động của riêng con người”. Đó chính là hoạt động tạo ra sự phát triển của bất kỳ đối tượng nào và sự phát triển là thuộc tính của vật chất (hiểu theo nghĩa triết học). Còn cụm từ “bất kỳ cái gì” cho thấy kết quả (thành phẩm) sáng tạo cũng như chính hoạt động sáng tạo có thể có ở bất kỳ lĩnh vực nào của thế giới vật chất và thế giới tinh thần, miễn là “cái gì đó” có đồng thời tính mới và tính ích lợi. Nếu “cái gì đó” chỉ có hoặc tính mới, hoặc tính ích lợi thì không được coi là sáng tạo.

       1. SÁNG TẠO TỪ GỐC RỄ

  • Nếu truyền thông là biến những thứ bình thường trở nên đặc biệt, thì sáng tạo – trong quan điểm của tôi, chỉ đơn giản là làm cho mọi thứ khác đi. Và tất nhiên, cái khác đi đó phải được chấp nhận và phải hữu dụng.

sang tao y tuong

  • Hữu dụng, trong trường hợp cụ thể của chúng ta là phải thu hút được sự chú ý của mọi người, đặc biệt hướng tới nhóm công chúng mục tiêu. Giúp họ ghi nhờ hình ảnh thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của chúng ta một cách trực quan, sinh động, thú vị và quan trọng là phải tự nhiên.
  • Thiếu mất ý tự nhiên, người ta sẽ không lan truyền đi tiếp. Vậy là hiệu quả truyền thông sẽ bị ảnh hưởng ngay. Nguyên lý gốc rễ của phương pháp này là sáng tạo = tìm cái hay ho có sẵn + liên hệ qua thương hiệu dịch vụ + lồng ghép khéo léo thông điệp.
  • Đây là một phương pháp cá nhân tôi cho rằng nó đơn giản để học, và cũng không quá khó để làm. Vấn đề là các bạn phải chịu khó làm thử và thực hành mọi lúc mọi nơi (bất cứ khi nào bạn phát hiện ra một content nào đó khiến bạn thấy thích thú). Trong các khoá học, offline của Truyền thông Trăng Đen, tôi cũng chỉ hướng dẫn cho mọi người một vài phương pháp để sáng tạo mà thôi. Và đây là một trong số đó.

2. SÁNG TẠO BẰNG… BẮT CHƯỚC!

Bước 1. Hãy trả lời câu hỏi, điều gì sẽ hiện lên trong suy nghĩ của người xem nếu kết thúc video hiện lên thông điệp Clip được quay bằng điện thoại mobiistar kim cương đen prime 508?
sang-tao-trong-truyen-thong-cho-mobiistar
Trả lời: ………………………
c8gx0Bước 2. Hãy hình dung, nếu có một clip mới (gọi là Clip-Bạch-Tuộc), ngắn hơn, được hình thành bằng cách cắt clip gốc từ phút thứ 2.40 đến phút thứ 3.14 (thí nghiệm với món bạch tuộc sống). Điều gì sẽ hiện lên trong suy nghĩ của người xem nếu kết thúc video hiện lên logo của Nhà hàng Sio Sushi?
Trả lời: ………………………
Bước 3. Sẽ có bao nhiêu người xem xong Clip-Bạch-Tuộc và muốn share nó đi khắp nơi cho bạn bè họ cùng xem vì thấy thú vị? Có bao nhiêu người sẽ ngần ngại khi nghĩ rằng share clip đi như vậy chẳng khác gì quảng cáo cho nhà hàng Sio Sushi?
Trả lời: ………………………
Bước 4. Sẽ thế nào nếu thay vì đặt logo của Sio Sushi vào cuối clip, chúng ta sử dụng một chiếc tô (bát lớn) đựng bạch tuộc có in sẵn hình / logo của nhà hàng. Khi ấy, số lượng người ngần ngại khi share clip vì sợ quảng cáo sẽ tăng lên hay giảm xuống?
sang-tao-trong-truyen-thong-cho-Sio-Sushi
Trả lời: ………………………
Bước 5. Thử nghĩ xem, còn bao nhiêu cách để “lồng ghép” logo của Sio Sushi vào clip một cách tự nhiên hơn? Thí dụ như in logo lên đồng phục của nhân viên, đọc tên nhà hàng trong lời dẫn?
Trả lời: ………………………
Bước 6. Thử nghĩ xem, cảm giác gì sẽ đọng lại một cách vô thức trong đầu của những người đã xem Clip-Bạch-Tuộc? Có phải là cảm giác ghê sợ, hay cảm giác tươi ngon?
Trả lời: ………………………
Bước 7. Hãy hình dung, nếu có một clip mới (gọi là Clip-Cs), ngắn hơn, được hình thành bằng cách cắt clip gốc từ phút thứ 0.25 đến phút thứ 0.45 (thí nghiệm thả Caesium vào nước tạo sủi bọt màu hồng). Điều gì sẽ hiện lên trong suy nghĩ của người xem nếu kết thúc video hiện lên logo của thương hiệu TV Sharp Aquos Quattron Pro có màu sắc sống động?
c8h75
Trả lời: ………………………
Bước 8. Người xem sẽ cảm thấy thế nào nếu biết Clip-Cs được quay bằng máy điện thoại mobiistar mới, được trang bị tính năng quay chậm và lấy nét sắc sảo?
Trả lời: ………………………
Bước 9. Và còn có những cách thức nào khác để “chế biến” content từ clip gốc? Cũng như tận dụng ý tưởng “ăn theo” từ clip gốc?
Trả lời: ………………………
Bước 10. Thử nghĩ xem, tại sao tôi lại lấy thí dụ về sản phẩm là điện thoại Việt Nam mobiistar kim cương đen prime 508, TV Sharp Aquos Quattron Pro và nhà hàng Sio Sushi của em Hiền Sio?
Trả lời: Câu này để tôi trả lời luôn cho bạn. Đơn giản, vì đó là những thương hiệu có hợp tác với tôi từ trước nên “lấy thí dụ ở đâu cũng thế, lấy thí dụ của người quen cho họ có thêm chút lợi”.
Chúc các bạn học tốt, và ứng dụng được nhiều vào công việc cũng như cuộc sống. Đừng quên nhấn Like, chia sẻ bài viết này cho bạn bè của bạn nếu bạn thấy rằng nó thực sự hữu dụng bạn nhé.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Long

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

Chinh phục cực Đông vất vả nhưng đáng nhớ

Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi/ Để ta khắc tên mình trên đời/Dù ta biết gian nan đang chờ đón/Và trái tim vẫn âm thầm/Ta bước đi hướng tới muôn vì sao”…
Câu hát trong bài Đường đến vinh quang của ca sĩ Trần Lập vang lên trong tôi khi chúng tôi bước vào chinh phục điểm cực đông của Tổ quốc trong dịp 30/4 vừa qua.
2 Giờ 30' Sáng 29/4/2017 đoàn chúng tôi rong ruổi trên 3 con ngựa sắt bon bon qua bao hàng trăm km  từ Biên Hòa qua cung đèo Bảo Lộc, Đèo Omega để đến với Mũi Đôi - điểm cực đông của nước ta. 
(Hiện nay, có 2 điểm vẫn đang được cho là cực đông của VN, đó là: Mũi Điện thuộc tỉnh Phú Yên và Mũi Đôi thuộc tỉnh Khánh Hòa.)
Đối với Mũi Điện, gần hải đăng Mũi Điện (hải đăng Đại Lãnh), người ta có xây dựng một tấm bảng bằng đá hoa cương ghi dòng chữ “Điểm cực đông - Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Điểm cực này tôi cũng đã có dịp đến cách đây 3 năm, Mũi Điện dưới chân ngọn hải đăng Đại Lãnh ở Phú Yên, đường đi rất dễ với những bậc bê tông men theo sườn núi dẫn lên.
Một điểm cực đông khác được xác định tọa độ thông qua GPS, đánh dấu bằng một cái chóp inox trên tảng đá khá cao ở Mũi Đôi (sách giáo khoa địa lý lớp 12 - Tái bản lần thứ 3 năm 2011 của Nhà xuất bản Giáo dục có ghi “cực đông tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa”), đây là điểm đến của đoàn chúng tôi trong chuyến đi này.
cung đường chạy tới Đầm Môn
Sau gần 3 tiếng chạy xe từ Nha Trang với lỉnh kỉnh ba lô và lều trại, chúng tôi đến được Đầm Môn, nghỉ ngơi ăn trưa và bắt đầu chặng đường leo bộ chinh phục cực đông của đất nước. Đường ra chinh phục Mũi Đôi (cực đông) phải trải qua nhiều loại địa hình. Từ Đầm Môn, chúng tôi phải băng qua những đồi cát cao mà nhiều người vẫn hay gọi là sa mạc.
Sau khi vượt 4 tiếng đồng hồ lội suối vượt núi  trong rừng cây với những tán lá hình vòm, leo lên những con dốc cao rồi lại di chuyển xuống và khoảng 2 tiếng đồng hồ mò mẫm đi trong đêm với 2 cái đèn pin điện thoại le lói, cả đoàn chúng tôi mồ hôi chảy ròng ròng, đôi chân như cứng lại trong đêm., thú thật là chưa bao giờ gặp khó khăn và vất vả như thế.
Chúng tôi gồm 5 người vác theo bao lô, lều trại cả gà sống lủng lẳng bức đi,  cứ thế người đi trước kẻ theo sau lần mò đi trong đêm tối. Nhưng đích đến là cực đông nên khó khăn và gian nan vất vả cũng không làm chùn được bước chân của chúng tôi. Gian nan là thế, mệt là thế nhưng thi thoảng giọng hát vẫn vang xa:
Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió
Lời hứa ghi trong tim mình
Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao.
Và con tim ta đã ước nguyện cùng nhau vai kề vai.
Đúng là trong khó khăn mới cảm nhận được tình người dành cho nhau sâu đậm hơn bao giờ hết. Người đi trước luôn truyền lại cho người sau chú ý về vật cản trên đường, những lúc đu cây, leo vách núi cùng nắm tay nhau kéo lên,
19 giờ, chúng tôi nghe thấy tiếng sóng vỗ. Tất cả vỡ òa sung sướng, và sau hơn 30 phút nữa chúng tôi đã đến được bãi Rạng nghỉ đêm chờ sáng hôm sau tiếp tục chinh phục cực đông.
Những gờ đá dài chỉ rộng khoảng 5 cm mà phải bò trườn di chuyển, không may trượt tay hoặc chân rơi xuống thì cực kỳ nguy hiểm bởi bên dưới là vực sâu. Tôi di chuyển mà đầu óc căng như dây đàn, mông lung nghĩ về những điều không may có thể xảy ra....
Sự quyết tâm, lòng quả cảm của cả đoàn đã được đền đáp khi chúng tôi tiếp cận được cực đông của Tổ quốc (nơi đất liền có kinh độ xa nhất). Giây phút đứng trên tảng đá cao hơn 10 m so với mặt nước biển, có gắn chóp tam giác xác định cực đông, giữa mây trời biển cả trong tiếng sóng vỗ trắng xóa tung cao gần tảng đá, hít thở thật mạnh để cảm nhận vị ngọt quê hương đất nước mới thấy yêu non sông gấm vóc này, cảm phục tất cả những ai đã chinh phục được điểm cực đông này (với lối đi bộ), tự hào về bản thân mình… Lúc này, tôi mới thấm thía rằng chặng đường chinh phục điểm cực đông này sẽ không phù hợp với những người có tiền sử về bệnh tim mạch, huyết áp và… yếu bóng vía!

Đến hơn 8 giờ chúng tôi xuất phát về lại đất liền 5 người những chỉ có đến hai trai nước, đường về thât gian lao, cũng may lúc đó chúng tôi ghép cùng với hai anh chị ngoài Hà Nội vào, nghe chị kể chị năm nay cũng khá chững tuổi, nhưng vì đam mê những cung đường Việt Nam phải chinh phục hết một đỉnh bốn cực của tổ quốc chị mới nghĩ tới chuyện lấy chồng, trong suốt đoạn đường dài đó, hai anh chị đã dành cho chúng tôi những lời động viên, những câu nói tạo động lực để chúng tôi đi tiếp, Dù không quen biết, nhưng anh chị đã sẵn sàng chia sẽ cho chúng số nước của mình, để chỉ như thế thôi tôi đã cảm nhận được tình người, rất ấm áp, đúng là trong khó khăn mới cảm nhận được tình người dành cho nhau sâu đậm hơn bao giờ hết. cuối cùng sau gần 4 giờ đồng hồ vượt qua bao khó khăn những con đường gập ghềnh, đói khát mệt nhọc chúng tôi đã tới được nhà chú Hai một lúc mà tôi uống liền 4 ly nước chanh đá, chưa bao giờ mà tôi thấy đồ ăn nước uống ở đâu mà ngon đến như thế, đến hơn 2h thì chúng tôi lên đường trở về nhà nghỉ và tiếp tục hơn 600km trở về Biên Hòa, vùng đất yêu dấu của mình.
==> Chuyến đi đã để lại cho tôi bao cảm xúc về tình bạn bè, tình người và làm tôi hiểu được rằng không có con đường nào là quá khó khăn, khó khăn và cản chở lớn nhất ở đây là vượt qua chính mình
Hãy đi để biết mình có thể làm được những chuyện tưởng. Như không thể tận dụng sức trẻ, tuổi trẻ để chinh phục những cung đường. Những trãi nghiêm đầy thú vị .
Với những kinh nghiệm phượt mũi đôi cực đông trên sẽ giúp các bạn có dự định check in mũi đôi có lịch trình cụ thể và chuyến đi nhiều trải nghiệm nhất . Chúc các bạn xem tin vui vẻ
                                                                                           Người Viết:   Tuynh Nguyễn                                 
Cột mốc tới khi tới Đầm Môn
Đoạn đường tiến tới mũi đôi

Đoạn đường đi tới sa mạc cát


Cảnh đẹp khi tới mũi đôi, nhì từ trên cao

Tảng đá đặt cột mốc



Người thông minh xử lý rắc rối như thế nào ?


Người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác vì không muốn sa lầy vào rắc rối của họ.
Theo TS. Travis Bradberry - Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (tạm dịch Trí tuệ xúc cảm 2.0), điểm chung của những người xấu tính là luôn hành động một cách vô lý. Một số người xấu tính cảm thấy hạnh phúc từ những tác động tiêu cực mà họ gây ra cho người xung quanh, số khác tìm kiếm cảm giác hài lòng từ việc gây rối để có thể dễ dàng điều khiển người khác. Dù bằng cách nào, họ cũng tạo ra sự phức tạp, xung đột, căng thẳng tồi tệ không cần thiết. 
 
Từ lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự căng thẳng (stress) có tác động tiêu cực lâu dài đến não bộ. Ngay cả việc chịu stress trong vài ngày cũng đủ làm giảm hiệu quả hoạt động của các tế bào thần kinh quanh vùng hippocampus - một vùng não quan trọng đảm nhiệm vai trò suy luận và ghi nhớ. Nhiều tuần sống trong căng thẳng sẽ làm đảo lộn, gây hại các nhánh dây thần kinh - vốn là những "cánh tay" nhỏ giúp các tế bào não giao tiếp với nhau. Và việc bị stress trong nhiều tháng liền sẽ phá hủy hoàn toàn các tế bào thần kinh.
 
Stress là một mối đe dọa với thành công của bạn, vì khi rơi vào tình trạng mất kiểm soát, não bộ và hiệu suất làm việc của bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu. 
 
Một nghiên cứu mới đây từ Khoa Sinh học và Tâm lý học lâm sàng thuộc Đại học Friedrich Schiller (Đức) phát hiện ra, việc tiếp xúc với những tác nhân kích thích sẽ gây ra những cảm giác tiêu cực mạnh mẽ - cùng loại tiếp xúc mà bạn có khi đối phó với người xấu tính - khiến bộ não đưa ra những phản ứng căng thẳng nghiêm trọng. Cho dù đó có là những câu nói tiêu cực, độc địa, điên khùng,... thì mục đích của những kẻ xấu tính vẫn là khiến bạn rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức - thứ mà bạn phải tránh bằng mọi giá. 
 
TS. Travis Bradberry chỉ ra, khả năng quản lý cảm xúc và giữ bình tĩnh trước áp lực có mối liên kết trực tiếp đến hiệu suất làm việc của một người. Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi TalenSmart, 90% những người có hiệu suất làm việc hàng đầu tham gia khảo sát có kỹ năng quản lý cảm xúc trong những thời điểm căng thẳng, có thể giữ được bình tĩnh và sự kiểm soát. Một trong những món quà tuyệt nhất của họ là khả năng "miễn dịch" với người xấu tính. Họ được rèn luyện để đối phó và vạch ra chiến lược giao tiếp phù hợp để tránh chịu những tác động xấu từ những người này.
 
Dưới đây là 10 bí quyết tốt nhất mà người thông minh dùng để giải quyết rắc rối khi làm việc với những người xấu tính, được Bradberry rút ra trong quá trình làm việc, huấn luyện. Theo ông, để làm việc hiệu quả với kiểu người xấu tính, bạn cần có cách tiếp cận riêng để kiểm soát những điều có thể làm và không thể làm. Điều quan trọng cần nhớ là bạn có thể kiểm soát được nhiều thứ hơn những gì bạn nghĩ. 
 

1. Tự đặt ra giới hạn

 
Những người tiêu cực, hay phàn nàn thường mang đến tin xấu vì họ luôn đắm chìm trong rắc rối của chính mình và thất bại trong việc tập trung vào giải pháp. Họ muốn mọi người cùng tham gia "bữa tiệc" tiếc nuối để bản thân cảm thấy dễ chịu hơn. 
 
Và vì không muốn tỏ ra thô lỗ hay tàn nhẫn với những người thích phàn nàn, chúng ta ngồi im lắng nghe họ dù biết làm vậy sẽ khiến bản thân căng thẳng. Nhưng theo Bradberry, có một ranh giới giữa việc cho mượn một đôi tai đồng cảm với việc bị cuốn vào dòng xoáy cảm xúc tiêu cực của người khác. 
 
Bạn có thể tránh được tình trạng này bằng cách tự đặt ra giới hạn và tạo khoảng cách với họ khi cần thiết. Hãy nghĩ theo hướng thế này: Nếu một người phàn nàn muốn bạn cùng ngồi đó cả buổi chiều trong khi họ đang hút thuốc thì chẳng phải bạn vừa phải chịu căng thẳng, vừa phải hít làn khói độc hại đó sao? Hãy tự tạo khoảng cách với những điều xấu và cả với người thích phàn nàn kia. 
 
Một cách tuyệt vời để thiết lập giới hạn là trực tiếp hỏi thẳng người kia về cách mà họ định giải quyết vấn đề. Thông thường, những người này sẽ yên lặng nhìn xuống hoặc tảng lờ, chuyển cuộc trò chuyện theo hướng tích cực hơn. 
 

2. Không để cảm xúc chen vào

 
Những người xấu tính khiến bạn phát điên lên vì lối cư xử vô lý. Bạn nhận ra điều đó nhưng tại sao lại cho phép bản thân đáp lại họ một cách tình cảm (cả tích cực lẫn tiêu cực) và sau đó bị mắc kẹt trong mớ bòng bong không phải của mình?
 
Hãy từ bỏ mong muốn đánh bại họ trong trò chơi mà họ đang làm chủ. Tránh xa những người đó về mặt tình cảm, chỉ nên tiếp xúc với họ một cách thận trọng như thể họ là một dự án khoa học (hoặc bạn là bác sĩ tâm thần của họ nếu bạn thích có sự tương đồng giữa đôi bên). Nhớ rằng bạn không nên giải quyết rắc rối bằng cảm xúc mà phải tập trung vào sự việc.
 

3. Tăng cường khả năng nhận thức 

 
Việc duy trì khoảng cách cảm xúc đòi hỏi bạn phải tự trang bị khả năng nhận thức. Bạn không thể ngăn ai đó ngừng thao túng bạn nếu chính bạn không nhận ra mình đang bị thao túng.
 
Đôi lúc bạn thấy bản thân rơi vào trường hợp cần xem xét lại mọi thứ và tìm ra lối đi tốt nhất để tiến lên trước. Đó là trạng thái điển hình cho việc bạn tỉnh táo, nhận thức sự việc và do đó, không nên e ngại hay hoang mang trước khả năng trên. 
 
Hãy nghĩ về điều này bằng tình huống giả dụ sau: Nếu một người thần kinh không ổn định chặn đường bạn trên phố và nói rằng anh ta là cựu tổng thống Mỹ John F. Kenedy, chắc chắn bạn không thể "chỉnh" lời anh ta ngay lúc đó được. Hoặc khi bạn và đồng nghiệp có quan điểm trái ngược nhau trong công việc, đôi khi cách tốt nhất chỉ là mỉm cười và gật đầu chào nhau thay vì lao vào đấu khẩu.
 
Còn nếu bạn quyết phân định đúng - sai với những người như trên, hãy dành thời gian lên một kế hoạch khả thi trước khi thực hiện. 
 

4. Đặt ra ranh giới

 
Ranh giới là thứ mà hầu hết mọi người thường đánh giá thấp. Họ cảm thấy giống như vì phải làm việc hay sống cùng với ai đó nên không tài nào kiểm soát được rắc rối xảy đến. Điều này không đúng. Một khi bạn biết cách không để cảm xúc chen vào mối quan hệ, bạn sẽ nhận ra cách cư xử của một người trở nên dễ đoán và dễ hiểu hơn. 
 
Việc tự đặt ranh giới trang bị cho bạn cách nghĩ hợp lý về những thứ nên và không nên khi ở cùng những người khác, đặc biệt với những người bạn cần dè chừng. Ví dụ, ngay cả khi bạn buộc phải hợp tác chặt chẽ với một thành viên trong dự án thì điều đó không có nghĩa cả hai phải trở nên thân thiết với nhau về mọi mặt.
 
Bạn cần chủ động và có ý thức trong việc tự đặt ranh giới. Nếu bạn để mặc mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, bạn sẽ buộc phải cuốn vào rắc rối từ trên trời rơi xuống. Nhưng nếu bạn tự đặt ra giới hạn, quyết định thời gian, địa điểm diễn ra sự việc, bạn có thể kiểm soát sự lộn xộn mà đối phương gây ra. 
 
Bí quyết duy nhất là tuân thủ những điều đã đặt ra và bảo vệ ranh giới ở đúng nơi chúng đang đứng khi có ai đó cố gắng xâm phạm.
 

5. Không chết trong cuộc chiến

 
Người thông minh hiểu tầm quan trọng của việc sống sót trong một cuộc chiến với người xấu tính. Xung đột là thứ diễn ra không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai. Việc không kiểm soát được cảm xúc đẩy bạn lún sâu vào một cuộc chiến mà ở đó bạn là người bị thương nặng nhất. 
 
Khi hiểu và biết cách chế ngự cảm xúc bản thân, bạn sẽ khôn ngoan hơn trong việc chọn trận chiến để tham gia và đứng vững trên chiến tuyến. 
 

6. Tập trung vào giải pháp thay vì vấn đề

 
Nơi bạn tập trung sự chú ý sẽ xác định trạng thái cảm xúc của bạn. Cứ quẩn quanh với rắc rối chỉ tổ khiến bạn càng thêm căng thẳng và nảy sinh tâm lý tiêu cực. Ngược lại, khi tập trung vào những hành động giúp bản thân và hoàn cảnh trở nên tốt hơn, bạn sẽ có tâm lý tích cực và bớt căng thẳng. 
 
Việc những người xấu tính gây khó dễ hoặc cư xử vô lý với bạn là cách giúp họ cảm nhận quyền lực và sử dụng chúng lên bạn. Đừng nghĩ cách trả đũa những người như vậy. Thay vào đó, tập trung vào việc bạn sẽ đối phó với họ/rắc rối đó như thế nào. Điều này giúp bạn kiểm soát lại mọi việc đồng thời giảm sự căng thẳng mà bạn từng gặp phải trong những lần giáp mặt với họ trước kia. 
 

7. Không quên

 
Những người thông minh về mặt cảm xúc dễ tha thứ lỗi lầm của người khác nhưng điều đó không có nghĩa là họ mau quên. Tha thứ đòi hỏi bạn buông bỏ những việc đã qua để bản thân tiếp tục tiến về trước. Nó khác với việc cho người mắc lỗi có một cơ hội khác. 
 
Người thông minh không muốn sa lầy một cách không cần thiết vào sai lầm của người khác. Vì vậy, họ nhanh chóng bỏ qua mọi thứ và quyết đoán hơn trong việc bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy tiềm ẩn.
 

8. Tránh độc thoại tiêu cực

 
Thỉnh thoảng, bạn bị cuốn vào cảm giác tiêu cực của người khác. Việc nghĩ xấu về người đối xử tệ bạc với bạn chẳng có gì sai nhưng việc độc thoại (tự nói với chính mình) về cảm xúc bản thân có thể hoặc làm tăng tâm lý tiêu cực. 
 
Theo TS. Travis Bradberry, độc thoại tiêu cực là thứ không cần thiết, phi thực tế và là một cách tự đánh bại mình. Nó đẩy bạn vào vòng xoáy cảm xúc theo chiều hướng đi xuống - thứ vốn không dễ thoát ra. Bạn nên tránh những cuộc độc thoại tiêu cực bằng mọi giá. 
 

9. Ngủ đủ giấc

 
Nhiều người không nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc tăng trí thông minh về mặt cảm xúc cùng khả năng quản lý stress. Thời gian ngủ là lúc não được "sạc pin" để khi thức dậy, bạn có đủ tỉnh táo và sáng suốt duy trì các hoạt động trong ngày. Khả năng tự kiểm soát, chú ý và ghi nhớ - tất cả đều sụt giảm nếu bạn không ngủ đủ hoặc ngủ không đúng cách. Thiếu ngủ làm tăng hormone gây stress, đường huyết, huyết áp,...
 
Một giấc ngủ ngon giúp bạn trở nên tích cực hơn, sáng tạo hơn và chủ động hơn khi tiếp xúc với những người xấu tính, từ đó có chiến lược giao tiếp phù hợp. 
 

10. Nhờ người khác giúp đỡ

 
Cố gắng tự mình giải quyết mọi thứ là cách làm nghe có hấp dẫn nhưng lại hoàn toàn không hiệu quả. Để đối phó với những người xấu tính,, bạn cần nhận ra những điểm yếu trong cách tiếp cận của bạn với họ. Để làm được điều này, bạn cần sự hỗ trợ của những người xung quanh có năng lực quan sát và phân tích tình huống.
 
Xung quanh bạn đều có người luôn cổ vũ, sẵn sàng giúp đỡ bạn lúc khó khăn. Đó có thể là đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, người thân,... Hãy tìm đến những người này và lắng nghe những nhận định, nhận sự giúp đỡ khi bạn cần chúng. 
 
Đó đơn giản chỉ là giải thích tình huống để tìm ra một giải pháp mới. Thông thường người ngoài cuộc sẽ sáng suốt hơn người trong cuộc và nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn.
 
Theo Doanh nhân Sài gòn

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

6 cách để trở thành người biết lắng nghe

Đã bao giờ bạn lơ đễnh trong khi ai đó đang nói chuyện với bạn? Tất cả chúng ta đều từng mắc phải lỗi này.

Lắng nghe - Nghệ thuật kết nối đỉnh cao
Theo nghiên cứu khoa học, trung bình chúng ta chỉ có thể tập trung sự chú ý trong 8 giây. Ngày nay, với sự phiền nhiễu phát sinh từ những thiết bị công nghệ cộng thêm hàng loạt những yêu cầu khó nhằn trong công việc, việc lắng nghe một cách chăm chú lại càng khó khăn hơn.
 
Scott Eblin - tác giả cuốn Overworked and Overwhelmed: The Mindfulness Alternative nói rằng, “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ có nhiều thách thức đối với việc duy trì sự tập trung, vì ngày nay có rất nhiều thứ đòi hỏi sự chú ý của bạn. Bộ não của chúng ta đã không phát triển kịp với công nghệ. Ảnh hưởng của việc này khiến mọi người luôn trong tình trạng bấn loạn khi tranh luận hoặc giao tiếp”.
 
Hal Gregersen - Giám đốc điều hành của Trung tâm lãnh đạo tại Đại học MIT cho biết: “Khi tham gia vào một cuộc trò chuyện, ai cũng có sẵn sự sắp xếp về những gì mình muốn nói và muốn nghe. Thật không may, trong thời đại bận rộn, hỗn loạn, phức tạp ngày nay, mọi người thậm chí còn "tham lam" muốn được thể hiện mình trước, mặc cho người khác muốn gì đi chăng nữa”.
 

Tại sao biết lắng nghe là một kỹ năng rất quan trọng?

 
Theo Gregersen, khi bạn tiếp cận một cuộc đối thoại và chỉ nghĩ về những việc mình cần phải làm, mục tiêu của bạn chỉ là tìm cách lèo lái cuộc trò chuyện để có được kết quả tốt hơn phía bên kia.
 
“Tôi có thể tác động lên bạn để bạn làm điều gì đó, nhưng xác suất mà tôi nhận được bất kỳ thông tin mới đáng ngạc nhiên gần như sẽ là bằng không. Khi đó, tôi bị ám ảnh rằng cuộc trò chuyện phải xoay quanh tôi, hoặc tôi phải kiểm soát được bạn. Cả hai trường hợp này đều khó khởi đầu cho một cuộc trò chuyện thú vị".
 
Khép tai lại và chỉ nghe những gì bạn muốn nghe sẽ chẳng có hại gì, nếu những gì bạn đang làm là đúng đắn và thế giới không bao giờ đổi dời. Ông Gregersen đặt câu hỏi: “Nhưng nếu như thế giới luôn thay đổi và điều chúng ta làm là không đúng thì sao? Chúng ta phải biết chú ý đến những suy nghĩ, cảm xúc, lời nói và quan điểm của người khác. Hãy luôn lắng nghe những thông tin mới mà tuy bạn chưa tìm kiếm, nhưng bạn thật sự cần phải được nghe”.
 
Dưới đây là 6 cách để bạn trở thành một người biết lắng nghe tốt hơn:
 

1. Lắng nghe để thấu hiểu, đừng lắng nghe vì muốn tỏ ra lịch sự

 
Ajit Singh - đồng sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm Artiman Ventures và là giáo sư tư vấn tại khoa Y thuộc Đại học Stanford cho biết: “Thông thường, người ta vẫn lắng nghe nhau vì muốn tỏ ra lịch sự, chứ không phải vì tò mò. Lắng nghe là rất cần thiết, nhưng ý định lắng nghe tốt nhất nên xuất phát từ sự tò mò, chứ không phải từ sự rộng lượng. Một cuộc hội thoại thực sự sẽ không xảy ra khi chúng ta giả vờ lắng nghe, và nó chắc chắn không thể xảy ra nếu chúng ta không chịu lắng nghe”.
 
Gregersen đưa ra lời khuyên rằng mỗi ngày, bạn hãy tự hỏi: “Tôi muốn tò mò về điều gì đây?”. Ông kể thêm: “Stewart Brand - biên tập viên của tạp chí nổi tiếng Whole Earth, mỗi ngày đều tự hỏi "Có bao nhiêu thứ mình đã làm sai nhỉ?"". Cả hai câu hỏi trên sẽ khiến bạn tự mở rộng đôi tai của mình.
 

2. Đừng để bị quá ám ảnh bởi những gì bạn muốn

 
Bạn không thể kiểm soát được thói quen nghe của người khác, nhưng bạn có thể kiểm soát được chính mình, và điều đó sẽ khiến tâm trí của bạn tĩnh lặng.
 
Gregersen cho biết, “Hãy thoát ra khỏi những lịch trình, ý định ban đầu của bản thân. Hãy thực sự lắng nghe những gì người khác đang cố gắng nói. Chúng ta cần thông tin chưa được xác nhận, chứ không phải là những thông tin đã được xác nhận. Nếu chúng ta kết thúc cuộc trò chuyện và không biết thêm điều gì mới mẻ đáng ngạc nhiên thì chúng ta chưa phải là một người biết lắng nghe”.
 

3. Đặt ra nhiều câu hỏi hơn

 
Theo Gregersen, một trong những cách đơn giản nhất để trở thành một người biết lắng nghe là hãy đặt câu hỏi, thay vì chỉ đưa ra câu trả lời. Khi chủ động đặt câu hỏi, bạn tạo ra một khoảng không gian an toàn để người khác mạnh dạn kể cho bạn nghe những sự thật mà họ biết.
 
Gregersen nói thêm: “Lắng nghe một cách thành tâm cho thấy bạn sẵn sàng đón nghe những lời "nghịch nhĩ". Trong một thế giới ngày càng có nhiều chia rẽ hơn, việc có thể lắng nghe là điều quan trọng để giảm thiểu những xung đột không cần thiết ở bất kỳ cấp độ nào, bao gồm trong một nhóm, tổ chức, hoặc ở một quy mô rộng hơn”.
 

4. Chú ý đến tỷ lệ thời gian nói và nghe của bạn

 
Eblin cho biết, bạn hãy phấn đấu để có được tỉ lệ 2:1 giữa việc nghe và nói. “Nếu bạn thường xuyên ghi chép trong các cuộc họp hoặc các cuộc trò chuyện, hãy cố gắng theo dõi thời gian bạn lắng nghe so với thời gian bạn nói chuyện. Bạn nên ghi lại tên tất cả mọi người phát biểu tại cuộc họp. Bất cứ khi nào một người nói nhiều hơn 1 hoặc 2 câu, hãy đánh dấu vào tên của họ, bao gồm cả bạn nữa nếu có. Việc so sánh về thời gian nghe và nói có thể sẽ dạy cho bạn một số bài học quan trọng”.
 

5. Lặp lại những gì bạn nghe

 
Adam Goodman - giám đốc Trung tâm lãnh đạo của Đại học Northwestern cho biết có một số vấn đề thường gây cản trở khả năng hiểu được chính xác những gì người khác đang cố gắng trình bày. Ông thường hay tự đặt câu hỏi “Liệu tôi có đang cố dự đoán được những gì người kia sắp nói không? Tôi có đồng ý hay không với những ý kiến đang được trình bày? Có lẽ tôi đồng ý quá nhanh, và khi suy nghĩ lại, tôi sẽ không đồng tình với ý kiến đó?”. Goodman nói: “Hiểu một cách đơn giản, có nhiều xác suất gây ra hiểu lầm hơn so với cơ hội để thực sự thấu hiểu”.
 
Để khắc phục điều này, hãy thực hiện quá trình “lắng nghe tích cực” (active listening). Goodman cho hay: “Khái niệm này đã ra đời từ lâu và sẽ hoạt động hiệu quả nếu được thực hiện đúng. Quy tắc cơ bản là nhắc lại với người nói những gì bạn đã nghe. Nếu người nói đồng ý rằng những gì bạn nghe được là những gì họ muốn nói, bạn có thể tiếp tục cuộc trò chuyện. Ngược lại, nếu nắm bắt sai ý, người nói cần phải trình bày lại cho đến khi người nghe thực sự thấu hiểu”.
 

6. Đợi người khác nói xong rồi hẵng trả lời

 
Leslie Shore - tác giả của cuốn sách Listen to Succeed, cho biết phần khó nhất của việc lắng nghe có hiệu quả là phải biết đợi một khoảng thời gian ở cuối câu hỏi trước khi đưa ra câu trả lời.
 
Cô viết trong cuốn sách của mình: “Khi chúng ta bắt đầu trả lời trước khi diễn giả kết thúc phần trình bày của họ, chúng ta sẽ mất hai thứ. Đó là thông tin người nói cung cấp, và sự hiểu biết về trạng thái cảm xúc trong giao tiếp của người nói.
 
Gregersen nhấn mạnh rằng lỗi này rất nguy hiểm: “Khi tôi tự cho rằng mình là người quan trọng, trong khoảnh khắc đó có nhiều khả năng tôi sẽ suy nghĩ về những gì tôi sắp nói thay vì lắng nghe việc bạn trình bày. Điều cốt lõi ở đây chính là khi làm như vậy, tôi đang tuyên bố với thế giới rằng tôi quan trọng hơn bạn. Đó là một cách tiếp cận cuộc sống đầy tư lợi”.
 
Theo Gregersen, tất cả chúng ta đều cần sự tập trung vào bản thân, nhưng những nhà lãnh đạo tạo ra sự khác biệt là những người biết rằng mục đích chung luôn lớn hơn cái tôi của bản thân. Ông nhấn mạnh: “Khi một nhà lãnh đạo điều hành mọi thứ dựa trên tận cùng của những gì có thể, họ đã hình thành một khả năng lắng nghe siêu mạnh mẽ”.
 
Theo Nhịp cầu Đầu tư
Người gửi Nguyễn Đức Long

10 quyết định tài chính khiến bạn hối tiếc suốt 10 năm

Cuộc sống có đầy những quyết định tài chính, có một số thì đơn giản, một số lại phức tạp, nhưng tất cả đều có tiềm năng tạo tác động thực sự tới cuộc sống của bạn. Trong một thập kỷ, thế giới của bạn có thể có chút khác biệt so với hiện nay - tất cả đều bởi các quyết định này.

quyết định tài chính
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công

HỌC + LÀM = GIÀU Con Đường Thành Công
  • 7 quyết định tài chính quan trọng trước tuổi 30

Dưới đây là một số lựa chọn tài chính mà bạn có thể sẽ hối hận trong 10 năm. Để giữ cho mình khỏi vất vả, hỗn độn và đau đầu thường xảy ra khi đưa ra quyết định, hãy đưa những quyết định sau vào danh sách những việc không nên làm của bạn.
1. Chờ để bắt đầu lập ngân sách
Bạn từng trì hoãn việc lập ngân sách? Giờ là lúc ngồi xuống và đưa việc chi tiêu của bạn vào vòng kiểm soát.
Điều tuyệt vời trong việc lập ngân sách là nó không chỉ khiến bạn phải theo dõi việc chi tiêu mà còn cho bạn biết thứ bạn nên cảm thấy thoải mái chi tiêu. Bạn đã bao giờ từng nhìn chiếc kem ốc quế và tự nghĩ rằng: “Bạn biết điều gì rồi, mình không chắc mình có nên mua cái này không- có lẽ mình đã chi tiêu quá nhiều tiền vào những thứ  lặt vặt”.
Sẽ không còn như vậy nữa. Khi bạn có một ngân sách, bạn sẽ biết mình có thể chi bao nhiêu và vẫn ổn.
Những lợi ích lâu dài của việc có ngân sách rất tuyệt vời. Hãy nghĩ về tất cả số tiền bạn sẽ tiết kiệm được, các mục tiêu tài chính mà bạn sẽ cấp vốn và sự thanh bình mà bạn sẽ có với bạn đời của mình khi cùng nhau đưa ra các quyết định tài chính. Việc đó rất xứng đáng để làm!
2. Không trả số tiền thanh toán tối thiểu của dư nợ thẻ tín dụng mỗi tháng
Khoản nợ thẻ tín dụng có thể chất đống rất nhanh. Nếu bạn đang không trả được dư nợ thẻ tín dụng mỗi tháng, bạn nên bắt đầu ngay. Lãi suất thẻ tín dụng có thể bòn rút tiền từ các mục tiêu quan trọng khác như mua nhà hoặc tiết kiệm hưu trí.
Lập ngân sách có thể giúp bạn đảm bảo mình đang sử dụng thẻ tín dụng một cách hợp lý.
3. Mua một sản phẩm tài chính mà không nghiên cứu kỹ
Nếu một cố vấn tài chính hoặc một đại lý bán bảo hiểm bán cho bạn một sản phẩm tài chính, hãy đảm bảo bạn tự tìm hiểu về sản phẩm tài chính trước khi đặt bút ký.
4. Phớt lờ quỹ phòng trường hợp khẩn cấp
Quỹ phòng trường hợp khẩn cấp sẽ bảo vệ bạn khỏi những việc không thể tránh được. Có một số thời điểm bạn sẽ gặp thất bại tài chính. Có thể chỉ là vài trăm đô la hoặc vài ngàn đô la là đủ.
Bạn nên để dành ra số tiền đủ cho chi phí trong 8 tháng trong trường hợp khẩn cấp. Sau khi đã dùng quỹ phòng trường hợp khẩn cấp, hãy đặt ưu tiên hàng đầu là tái bổ sung tiền cho quỹ đó ngay. Nếu để quỹ phòng trường hợp khẩn cấp của mình trôi xuống vực, bạn sẽ thấy mình mắc thêm nhiều khoản nợ không thể xử lý được.
5. Mua một chiếc xe mới khi bạn không đủ tiền
Các phương tiện đi lại rất quan trọng đối với nhiều người, nhưng chúng cũng có thể trở thành một chiếc hố đen. Nếu bạn đang lên kế hoạch mua hoặc thuê một phương tiện đi lại và biết mình không có tiền, hãy đừng làm như vậy.
Việc chi trả từng phần chiếc xe sẽ vượt quá giá của chiếc xe đó, và bạn sẽ tiêu lẹm vào quỹ hưu trí lúc nào không hay.
6. Để sự ngạo mạn len vào việc đầu tư thông minh
Nếu bạn không phải là một chuyên gia tài chính hoặc không được học về tài chính, bạn sẽ mắc phải những sai lầm lớn nếu làm một mình. Nói như vậy không có nghĩa là một số người không thể làm được việc này, nhưng dần dần bạn sẽ hối tiếc khi cố gắng bán non một cổ phiếu (một bước đi mà những người am hiểu thực hiện) và cuối cùng bị mất một số tiền lớn. Đầu tư vào việc học tài chính của mình ít nhất là qua các cuộc gặp gỡ với các chuyên gia cố vấn là một cách làm khôn ngoan.
Các chuyên gia cố vấn tài chính có thể tiết kiệm cho bạn nhiều thời gian và tiền bạc, đảm bảo chiến lược đầu tư của bạn phù hợp với hoàn cảnh của bạn. Có nhiều loại chuyên gia cố vấn, vì vậy hãy nghiên cứu xem loại nào phù hợp với bạn và các mục tiêu của bạn.
7. Lờ đi các phương án bảo hiểm của bạn
Nếu ngay bây giờ bạn qua đời, thì vấn đề tài chính của gia đình bạn có ổn không? Nếu không, bạn có thể cần bảo hiểm nhân thọ.
Và đó chỉ là một ví dụ. Có một số chính sách bảo hiểm quan trọng mà bạn cần cân nhắc như: bảo hiểm thương tật, có thể cả bảo hiểm chăm sóc lâu dài nếu bạn đã hơn 60 tuổi và thậm chí là cả bảo hiểm toàn diện.
Bảo hiểm bảo vệ bạn trước trách nhiệm tài chính mà bạn không thể trả được bằng quỹ phòng trường hợp khẩn cấp của bạn. Đừng lơ là nó.
8. Không có quỹ hưu trí
Tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu là một việc quan trọng. Nếu bạn đang tin cậy quỹ An sinh xã hội là nguồn thu nhập duy nhất của mình, thì hãy nghĩ lại. Có vẻ như bạn sẽ không thể duy trì cách sống của mình với chỉ lợi ích từ quỹ an sinh xã hội. Nếu bạn làm được việc đó thì xin chúc mừng bạn đang sống khá tiết kiệm!
9. Không có cùng quan điểm về tài chính với bạn đời
Nếu bạn muốn tài chính của mình bị phá tan tành, thì không cùng quan điểm về tiền bạc với bạn đời là cách chắc chắn để hiện thực hóa điều đó.
Nếu các bạn đã kết hôn, thì hai bạn đã là một và phải có cùng mục đích.
Vì sao các bạn vẫn không có cùng các mục đích tài chính? Hãy nói chuyện về các khác biệt của các bạn, học cách thỏa hiệp và cùng đi về một hướng. Về lâu dài, việc này sẽ rất đáng giá.
10. Để các chi phí định kỳ chi phối ngân sách của bạn
Bạn có một hóa đơn điện thoại di động giá cao? Bạn đang phải trả quá nhiều tiền cho dịch vụ vệ sinh mỗi tháng? Thế còn hóa đơn truyền hình cáp thì sao - có bao nhiêu kênh bạn mua nhưng thực sự không xem?
Hãy đặt những câu hỏi này. Đây là những câu hỏi hay vì chúng tập trung vào các chi phí định kỳ. Mặc dù các chi phí định kỳ có thể không tốn nhiều mỗi tháng, nhưng theo thời gian chúng sẽ cộng dồn lại. Hãy tìm kiếm các cách cắt giảm những chi phí này và hình dung bạn có thể kiếm được bao nhiêu tiền bằng cách đầu tư những gì bạn đã tiết kiệm được trong vòng 10 năm tới - hẳn là con số đó sẽ nhiều hơn bạn nghĩ.
Có những lựa chọn tài chính thông minh có thể dẫn tới tương lai sáng sủa hơn. Ngay cả chỉ thực hiện vài bí quyết trong số này cũng có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc sống của bạn.

(Dịch từ Time)

 
Người gửi Phạm Lê Phương

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Hãy yêu quê hương nhiều hơn

Hãy yêu quê hương nhiều hơn


Mẹ tôi ngoài quê vào chơi than với tôi rằng: "Ở nhà giờ buồn lắm, chỉ còn ông già bà lão thôi, thanh niên nó dắt nhau đi hết rồi", tôi nghe mà lòng chợt thấy như mất đi một điều gì đó xa xôi. Tôi nhớ mênh mang về một ngôi làng nhỏ nằm cạnh một dòng sông quanh co, chiều chiều rôm rả tiếng trẻ con nô đùa, tiếng người đi làm đồng về hỏi thăm nhau, tiếng chó sủa, tiếng lợn kêu, và cả tiếng mẹ gọi ý ới những đứa trẻ ham chơi về tắm, khói bốc lên từ gian bếp những gian nhà tranh đơn sơ ấm cúng; những tối trăng tròn kéo bàn ra trước sân ngồi uống nước chè xanh, đàn ông nói chuyện làm ăn, phụ nữ nói chuyện con cái, chợ búa... Tôi nhớ lắm sự mộc mạc của người dân quê. Mặc dù cuộc sống còn nhiều cơ cực, vất vả, nhưng con người nơi đây sống rất có nghĩa, có tình. Họ sống với nhau bằng tình cảm chân thành, chất phác, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Tôi thật may mắn khi được sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương của gia đình và sự chăm sóc, sẻ chia của tình làng nghĩa xóm.
http://nguyenkhactuynh.blogspot.com/
Quê hương trong tôi còn là những buổi trưa trốn ngủ chạy ra đồng bắt cá. Hôm nào may mắn bắt được nhiều cá tôi vui lắm. Tôi vừa về đến cổng đã ríu rít khoe mẹ và chiều hôm ấy cả nhà sẽ được thưởng thức món cá đồng kho tương. Cái mùi vị ngọt thơm của nồi cá kho tương như đọng mãi trong tiềm thức, khiến tôi đặt cho nó cái tên đầy giản dị: món quà của đồng quê.
Quê hương đối với tôi còn là những buổi tối nằm cuộn tròn gối đầu vào lòng bà  nghe truyện cổ tích, chuyện thời ông bà yêu nhau, và cả bao nỗi khó khăn vất vả mà bà đã trải qua. Đôi khi cao hứng, bà tôi còn hát mấy bài dân ca. Tiếng hát trầm ấm lan tỏa trong không gian hòa với tiếng rì rào của rặng tre, tạo thành một dàn hòa âm đầy thi vị. Tôi vẫn luôn tâm niệm đấy chính là tiếng vọng của linh hồn dân tộc Việt, tiếng lòng của quê hương. Những câu chuyện, điệu hát của bà đã nâng đỡ tuổi thơ tôi, dạy tôi biết sống nghĩa tình, ngay thẳng, biết yêu thương quê hương, xứ sở, gia đình.
Quê hương trong tôi là cả vùng trời cổ tích, là những sáng sớm theo mẹ ra đồng vui sướng khi thấy bình minh trên quê mình thật đẹp. Quê hương còn là cảm giác bình yên khi tôi được đứng giữa cánh đồng dang rộng tay hít hà mùi thơm nồng lúa chín. Quê hương còn là những ngày bé dại cùng chúng bạn đi mót những hạt lúa còn vương xót lại cuối mùa, mà thích thú đến nỗi cười vang đồng.
Ôi! Quê hương tôi là cả tuổi thơ tôi. Tôi thèm biết bao được trở về tuổi thơ, được là đứa trẻ con thỏa thích nô đùa trong lòng bà mẹ quê hương. Gió cứ mang cánh diều lên cao, thời gian cứ vô tình mang tôi đi xa tuổi thơ. Giá như, dù chỉ một lần thôi tôi được trở về những năm tháng tuyệt vời ấy…

Làng tôi bây giờ bỗng hóa hoang vu; tối tối chỉ còn những những cụ già chống gậy qua thăm nhau, ăn ba miếng trầu nhạt, thở dài về những đứa con cháu đi mấy năm rồi không thấy về; những đứa trẻ giờ lớn lên trong vòng tay ông bà và nỗi nhớ hơi ấm bố mẹ, đôi mắt chúng chẳng còn thơ ngây mà chất chứa trong đó là một nỗi mong chờ vời vợi; lâu lâu có những người đi xa về, phóng xe ào ào trên con đường quê nhỏ hẹp, tóc nhuộm màu, quần bò xé, má phấn môi son... Tôi nghĩ mà thở dài, ôi đâu rồi những nét chân quê !





Tuynh Nguyễn.

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

BÍ QUYẾT LÀM CHỦ BẢN THÂN

“Bạn chỉ có thể trở thành nhà lãnh đạo tài ba khi bạn có thể tự lãnh đạo tốt bản thân mình” (You can only be a great leader when you can lead yourself well first) - nhà thần học Richard Norris.
Làm chủ bản thân là một việc không đơn giản, nhưng chắc chắn là nó rất quan trọng, nếu không thì John Maxwell - một học giả về lãnh đạo, trong quyển sách “Phát triển nhà lãnh đạo trong bạn” đã không viết: “Dại thời muốn chinh phục cả thế giới / Khôn thời chỉ muốn thắng bản thân mình” (When we are foolish we want to conquer the world. When we are wise, we want to conquer ourselves).
 
Chiến thắng bản thân luôn là một cuộc chiến thách thức và quan trọng nhất trong sự nghiệp của người thành đạt. Thành công hay không đa số đều khởi nguồn từ đây. Việc làm đúng ngay từ đầu của nhà lãnh đạo/CEO/ khởi nghiệp gia cũng vì thế, nên bắt đầu từ đây.
 
Làm sao để làm chủ bản thân mình một cách tốt nhất? Sau đây là những điều quan yếu nhất tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ đang lập nghiệp:
 

Hiểu rõ về mình

 
Binh pháp có nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trong đó “biết ta” là yếu tố cơ bản, dễ khai thác nhất nhưng lại thường bị xem thường, bỏ qua nhiều nhất.
 
Biết mình muốn gì. Hoài bão, mơ ước, tầm nhìn của mình là gì? Những sứ mệnh nào mình muốn gánh vác? Những giá trị cốt lõi nào mình đang tôn thờ? Hay nói nôm na là biết mình đang ở đâu, muốn đi về đâu và định đi đến đó như thế nào, bằng cách nào, với những nguồn lực nào.
 
Xác định rõ đích đến/điều mình muốn đạt là điều vô cùng quan trọng để định hướng cho mọi hoạt động, mọi nỗ lực của mình trong mọi việc. Đây chính là chiếc la bàn không thể thiếu trên đường lập nghiệp.
 
Nếu như bạn vẫn còn mơ hồ về điều mình mơ ước, hãy bình tĩnh ngồi xuống, lấy một cây viết ra và suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời các câu hỏi sau: “Mình muốn trở thành người như thế nào sau 10/15/20 năm?”. Có sự nghiệp thành đạt? Có gia đình hạnh phúc? Có sức khỏe tốt?...
 
Tại sao mỗi dịp xuân về, các công ty dịch vụ thường hay gửi đến khách hàng của họ lời chúc “Một năm mới có thật nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc”? Bởi vì ba yếu tố sức khỏe, thành công và hạnh phúc tuy 3 mà 1, chúng có quan hệ mật thiết và tương hỗ lẫn nhau.
 
Người thành đạt là người có tư duy chiến lược, sự minh mẫn, nhạy bén trên thương trường, sự kiên trì, dũng cảm trong chiến đấu/cạnh tranh… Tất cả những yếu tố đó đều đòi hỏi một “phần cứng” vô cùng nền tảng, đó chính là một cơ thể khỏe mạnh. Sức khỏe của bạn đã đủ tốt chưa - cả về thể chất lẫn tinh thần? Bạn có giữ được sự dẻo dai và sáng suốt đều đặn trong 8 giờ làm việc mỗi ngày không? Năng suất làm việc của bạn bị giảm dần khi thời gian trôi qua trong ngày hay theo năm tháng?
 
 
Bạn đã ăn uống điều độ, đúng giờ không? Trong tình hình an toàn thực phẩm có nhiều vấn đề như hiện nay, ngoài ăn uống điều độ, ăn đủ chất ra, chúng ta còn phải biết cách chọn lựa thực phẩm sạch khi ăn uống.
 
Bạn có đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ không? Chất lượng giấc ngủ là quan trọng nhất, nhưng số giờ ngủ cũng không nên xem thường. Khi chúng ta ngủ, não sẽ tự tiến hành sắp xếp, điều chỉnh lại những lệch lạc, thay đổi trong cơ thể (như máy tính defragment vậy) để điều hòa lại mọi thứ cho ổn định, góp phần quan trọng cho việc giữ gìn sức khỏe. Nếu sau khi ngủ dậy mà chúng ta còn cảm giác lừ đừ, mệt mỏi, nghĩa là giấc ngủ đó chưa tốt, cần phải tìm hiểu ngay lý do để phòng ngừa tái phát.
 
Bạn có tập thể dục đều đặn không? Đây là câu hỏi rất ít người trả lời “có”. Ai cũng biết tập thể dục là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng không nhiều người có được nếp tập luyện đều đặn, nhất là giới trẻ lại càng ít xem trọng việc này.
 
Cần hiểu rằng việc tập thể dục đều đặn không chỉ đơn thuần giúp chúng ta rèn luyện sức khỏe thể chất từ đó tác động đến tinh thần, mà còn giúp chúng ta rèn luyện một ý chí kiên cường, tự chủ. Chính việc tự mình “bắt” mình mỗi ngày hoặc tuần 3 ngày phải tham gia tập luyện đều đặn một môn nào đó đúng giờ giấc sẽ rèn luyện khả năng tự chủ của mình, nghĩa là mình làm chủ được bản thân mình, không để cho sự lười nhác, ham vui, ngại khó chiến thắng bản thân mình. Khả năng làm chủ bản thân đa phần được tôi luyện từ đây.
 

Gia đình hạnh phúc và sự thành đạt

 
Mối quan hệ với mọi người trong gia đình là một chất xúc tác quan trọng khi chúng ta ra ngoài lập nghiệp. Một gia đình trên dưới thuận hòa sẽ là một hậu phương vững chắc, giúp bạn yên tâm khi làm việc và có động lực phấn đấu. Ngược lại, bạn sẽ không thể yên tâm để tập trung vào công việc và động lực cũng dễ bị mất đi từ đó.
 
Chúng ta thấy rõ 3 yếu tố trên có liên quan mật thiết với nhau: Phải có sức khỏe tốt, có gia đình hạnh phúc thì mới có sự thành đạt.
 
Dale Carnegie - tác giả quyển sách nổi tiếng Đắc nhân tâm đã từng nói: “Thành công là có những gì mình thích; Hạnh phúc là thích những gì mình có”. Tôi định nghĩa sự thành đạt như thế này: “Thành đạt là đạt được những gì mình thích nhưng không phải đánh đổi những thứ mà sau này không thể mua lại bằng tiền”. Đó chính là sức khoẻ và hạnh phúc!
 

Biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình

 
Điểm mạnh là vốn liếng quan trọng để thành công nên cần phải phát huy tối đa. Điểm yếu là rào cản ngăn lối đến thành công nên cần phải khắc phục và cải tiến.
 
Làm chủ bản thân là biết rõ mình mạnh cái gì để gia tăng sự tự tin và hiểu mình yếu cái gì để khắc phục.
 
Làm chủ bản thân là luôn có thái độ lạc quan, tích cực trên thương trường: tự tin vào điểm mạnh của mình và không khiếp sợ trước điểm mạnh của đối phương; không tự ty về điểm yếu của mình, luôn tìm cách cải thiện và tìm điểm yếu của đối phương để có sách lược tiến công hiệu quả.
 

Biết rõ những giá trị mà mình theo đuổi

 
Giá trị là những niềm tin bền vững và lâu dài về những điều được coi là quan trọng trong các tình huống khác nhau. Niềm tin này định hướng các quyết định và hành động của chúng ta. Nói cách khác, giá trị chính là nhận thức về những điều tốt hay xấu, đúng hay sai.
 
Giá trị là cơ sở để hình thành nên văn hóa doanh nghiệp, vì thế hãy hiểu rõ, chọn lựa, kiến tạo và duy trì những giá trị tích cực bạn đang có liên quan mật thiết đến ngành nghề doanh nghiệp bạn cần phát triển.
 

Có tính kỷ luật

 
Tính kỷ luật là yêu cầu không thể thiếu để làm chủ chính mình. Soạn giả Joseph Joubert từng nói: “Hãy hiền dịu bao dung với tất cả mọi người trừ chính mình”. 
Làm chủ bản thân là biết “ép” mình vào khuôn khổ kỷ luật, biết nhập gia tùy tục, thích ứng mọi sự thay đổi để đạt được mục tiêu của mình.
 
Tính kỷ luật sẽ giúp chúng ta tăng thêm sức mạnh của bản thân, như triết gia Lucius Amaeus Seneca đã nói: “Người có sức mạnh lớn nhất là người biết kiểm soát bản thân mình”.
 
Tóm lại, nền tảng của mọi thành công đều bắt nguồn từ việc biết tự lãnh đạo bản thân mình. Để có thể làm chủ doanh nghiệp thành công, phải biết làm chủ chính mình trước đã. Muốn làm chủ chính mình phải hiểu thật rõ về mình, đồng thời không ngừng lắng nghe và học hỏi.
 
Một sự khởi đầu đúng cách là đã thành công một nửa!
 
Nguồn Internet
Người gửi Nguyễn Đức Long